Tương lai của lĩnh vực hội nghị trực tuyến
Đại dịch COVID-19 chính là bước ngoặt thực sự của thị trường phần mềm hội nghị trực tuyến. Vào năm 2020, tình trạng phong tỏa toàn cầu buộc các công ty phải triển khai các giải pháp cho phép giao tiếp từ xa. Làm việc từ xa cũng phát triển mạnh mẽ trong thời gian đó, trở thành điều tất yếu cho nhiều doanh nghiệp trong thời kỳ đại dịch. Hiện tại, mặc dù đại dịch COVID-19 đã qua từ lâu, nhưng thị trường này vẫn có tiềm năng tăng trưởng đáng kể trong những năm tới nhờ nhu cầu làm việc từ xa vẫn tiếp tục diễn ra, sự phát triển của công nghệ, cũng như việc mở rộng thị trường và sự gia tăng đầu tư.
Bắt đầu giao dịch ngay hoặc thử giao dịch demo
Đăng ký tài khoản thật KHÁM PHÁ NỀN TẢNG Tải ứng dụng điện thoại Tải ứng dụng điện thoạiĐại dịch đã chứng minh rằng có những ngành nghề (ví dụ như IT) có thể triển khai hình thức làm việc từ xa mà không làm giảm năng suất và đồng thời cho thấy làm việc tại văn phòng không còn là điều cần thiết. Điều này dẫn đến việc nhân viên hình thành thói quen làm việc từ xa. Theo báo cáo của KPMG vào năm 2023, yếu tố chính khiến các công ty triển khai làm việc từ xa phổ biến hơn là nhu cầu từ phía nhân viên (chiếm 73%). Yếu tố quan trọng thứ hai là nâng cao sức hấp dẫn với các đề nghị việc làm của công ty (chiếm 53%), cũng như thu hút nhân tài mới (chiếm 38%). Do sự phát triển của hình thức làm việc từ xa, các công ty giờ đây có thể tuyển dụng nhân viên từ khắp mọi nơi trên thế giới. Nhìn chung, việc thay đổi thói quen của nhân viên, sự hiệu quả trong việc hợp tác giữa các chi nhánh trong và ngoài nước, nhu cầu ngày càng tăng đối với việc tuyển dụng nhân tài mới, tất cả đã tạo thành những động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của toàn bộ ngành. Vì vậy, theo dự báo của Fortunate Business Insights, lĩnh vực hội nghị trực tuyến trị giá 28,61 tỷ USD vào năm 2023 có thể tăng lên 33,4 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến vào năm 2032 sẽ là 60,17 tỷ USD, tương ứng với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 7,8%.
Zoom Video Communications trong giai đoạn hậu đại dịch
Công ty Zoom Video Communications là một trong những doanh nghiệp hưởng lợi nhiều nhất "thời kỳ bùng nổ của COVID" trong thị trường làm việc từ xa. Phần mềm phù hợp cần thiết cho giao tiếp từ xa đã chứng tỏ là một công cụ quan trọng được các công ty sử dụng trong thời gian phong tỏa vì đại dịch. Điều này đã giúp cho công ty tăng doanh thu vào năm 2020 và 2021 lần lượt là 88,4% và 325,8%. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của doanh thu cũng được phản ánh vào giá cổ phiếu, khi mà cổ phiếu này đã đạt đỉnh 589,66 USD vào tháng 10 năm 2020, tăng trưởng hơn 720% tính từ đầu năm. Vào thời điểm đó, động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng của công ty chủ yếu bởi việc phong tỏa kéo dài vì đại dịch. Kể từ khi đại dịch kết thúc, tốc độ tăng trưởng doanh thu của công ty đã ổn định. Trong năm 2023, công ty ghi nhận mức tăng trưởng 7,1% YoY và kể từ quý 2 năm 2023 mức tăng trưởng trung bình theo quý (QoQ) là 3,27%. Hiện tại, nếu so với mức đỉnh trước đó cổ phiếu của công ty đã mất giá gần -90%.
Triển vọng của công ty trong các quý tiếp theo
Sự sụt giảm đáng kể trong tăng trưởng doanh thu bắt nguồn từ những thay đổi trong môi trường làm việc sau đại dịch và sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ. Mặc dù nghành hội nghị trực tuyến nói chung có triển vọng tăng trưởng tốt, nhưng việc chỉ phụ thuộc vào nền tảng dịch vụ giao tiếp là không đủ để cạnh tranh với các công ty như Microsoft hay Alphabet. Những công ty này, ngoài các ứng dụng giao tiếp (Microsoft Teams hoặc Google Meet), còn cung cấp các giải pháp toàn diện hỗ trợ hoạt động của khách hàng.
Tuy nhiên, Zoom cũng không cho thấy sự tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh. Công ty đang tích cực phát triển danh mục sản phẩm trong nền tảng của mình, biến Zoom từ một công cụ giao tiếp video thành một hệ thống dịch vụ toàn diện. Hệ thống này cho phép trò chuyện, lên lịch họp, quản lý lịch làm việc của công ty, và mở rộng nền tảng với các phần mềm cho phép ghi chú, tạo tài liệu hoặc ghi âm video.
Nhờ những điều này, Zoom có thể tự tin không bị tụt hậu trong cuộc đua công nghệ và duy trì vị trí dẫn đầu trong thị trường phần mềm hội nghị trực tuyến. Toàn bộ tác động của việc phát triển sản phẩm có thể sẽ được nhìn thấy rõ ràng hơn vào nửa cuối năm 2024, điều này cũng được thể hiện qua dự báo doanh thu ảm đạm của công ty. Trong quý đầu tiên của năm 2024 (kết thúc vào tháng 4 năm 2024), công ty dự kiến đạt doanh thu 1,13 tỷ USD (+ 2% YoY), trong khi mục tiêu cho toàn bộ năm 2024 là 4,6 tỷ USD (+ 1,7% YoY).
Mặc dù tốc độ tăng trưởng doanh thu chậm lại, nhưng Zoom vẫn thu hút sự chú ý giới đầu tư nhờ số liệu lợi nhuận mạnh mẽ. Biên lợi gộp của công ty duy trì ở mức ổn định khoảng 75% sau giai đoạn doanh thu đi vào ổn định (những năm 2022-24). Các hoạt động phát triển nền tảng Zoom đang diễn ra khiến chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) tạm thời tăng lên, tuy nhiên đà tăng trưởng của chi phí này đang có dấu hiệu chững lại. Do đó, theo nhận định chung của thị trường, Zoom dự kiến đạt được biên lợi hoạt động khoảng 37% trong những năm tới. Điều này có vẻ là kịch bản khả thi (giả sử giá trị này xấp xỉ mức trung bình của 3 năm gần nhất) khi xét đến sự phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm được cung cấp.
Không thể không nhấn mạnh đến vị thế tiền mặt mạnh mẽ của Zoom. Hiện tại, Zoom sở hữu 6,96 tỷ USD tiền mặt và các khoản đầu tư ngắn hạn, chiếm hơn 1/3 tổng vốn hóa thị trường của công ty. Hơn nữa, Zoom đang tiếp tục cải thiện vị thế tiền mặt của mình bằng cách gia tăng dòng tiền. Bên cạnh đó, công ty gần như không có nợ.
Dựa trên giả định tăng trưởng doanh thu trong những năm tới (+1,7% năm 2025, +4% năm 2026 và +3,5% năm 2027), biên lợi hoạt động của công ty theo ước tính chung là khoảng 37% và duy trì mức chi tiêu đầu tư (CAPEX) so với doanh thu lần lượt là 2,9% năm 2025, 3,2% năm 2026 và 3,5% năm 2027 (theo xu hướng của 3 năm trước), chúng ta có được tỷ lệ EV/FCF ở mức 10,51x. Với mức giá hiện tại là 58,99 USD, điều này cho thấy khả năng tăng trưởng tiềm năng là 12,7%.
Tất nhiên, đây chỉ là những tính toán minh họa nhằm mục đích chỉ ra định giá thị trường hiện tại của công ty theo kịch bản thận trọng. Nếu công ty không đạt được tỷ suất lợi nhuận như giả định và các sản phẩm do công ty phát triển không đủ hấp dẫn so với các đối thủ cạnh tranh (bao gồm cả sản phẩm của Microsoft và Alphabet), thì có thể giá cổ phiếu sẽ giảm thêm.
Cổ phiếu của Zoom Video Communications đã mất gần -90% giá trị so với mức đỉnh giai đoạn đại dịch. Nguồn: xStation.
XTB Equity Research
Nội dung tài liệu này chỉ được cung cấp mang tính thông tin chung và là tài liệu đào tạo. Bất kỳ ý kiến, phân tích, giá cả hoặc nội dung khác không được xem là tư vấn đầu tư hoặc khuyến nghị được hiểu theo luật pháp của Belize. Hiệu suất trong quá khứ không nhất thiết chỉ ra kết quả trong tương lai và bất kỳ khách hàng quyết định dựa trên thông tin này đều hoàn toàn tự chịu trách nhiệm. XTB sẽ không chịu trách nhiệm đối với bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, bao gồm nhưng không giới hạn, bất kỳ tổn thất lợi nhuận nào, có thể phát sinh trực tiếp hoặc gián tiếp từ việc sử dụng hoặc phụ thuộc vào thông tin đó. Tất cả các quyết định giao dịch phải luôn dựa trên phán quyết độc lập của bạn.