Không giống như Phân tích kỹ thuật là dựa vào phản ứng giá (price action) và xu hướng để giúp xác định chính xác nơi giá có thể hướng tới, Phân tích cơ bản là phương pháp xem xét tất cả dữ liệu có sẵn (kinh tế, địa chính trị, sự kiện trong phiên giao dịch,...) để xác định giá trị tương đối của thị trường. Sau đó, trader tìm kiếm sự khác biệt giữa giá thị trường hiện tại và định giá của riêng họ để phát hiện ra các cơ hội giao dịch.
Trong bài này bạn sẽ được hướng dẫn về:
- Phân tích cơ bản là gì?
- Vai trò của các Ngân hàng Trung ương.
- Sự khác biệt chính giữa Phân tích Cơ bản và Phân tích Kỹ thuật.
Phân tích cơ bản là gì?
Trong thị trường tài chính, phân tích cơ bản là phương pháp xem xét tất cả dữ liệu có sẵn (kinh tế, địa chính trị, sự kiện trong phiên giao dịch,...) để xác định giá trị tương đối của thị trường
Có hai phương pháp phân tích phổ biến nhất là phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản. Trong bài học này, chúng ta sẽ tập trung vào cách phân tích cơ bản.
Không giống như Phân tích kỹ thuật là dựa vào phản ứng giá (price action) và xu hướng để giúp xác định chính xác nơi giá có thể hướng tới, Phân tích cơ bản là phương pháp xem xét tất cả dữ liệu có sẵn (kinh tế, địa chính trị, sự kiện trong phiên giao dịch,...) để xác định giá trị tương đối của thị trường. Sau đó, trader tìm kiếm sự khác biệt giữa giá thị trường hiện tại và định giá của riêng họ để phát hiện ra các cơ hội giao dịch.
Hãy tưởng tượng bạn đang có ý định mua xe hơi. Có một chiếc bạn thích với giá 10.000 USD, nhưng bạn không biết liệu đây có phải là một mức giá hợp lý hay không. Vì vậy, bạn tìm giá xe trên internet, hỏi ý kiến của người khác, so sánh với giá được đưa ra tại các đại lý xe hơi khác nhau và nghiên cứu để đánh giá xem giá đó có phải là hợp lý và liệu chiếc xe có đáng tiền hay không.
Những gì bạn có thể làm được trong trường hợp này là phân tích cơ bản - bạn tính đến tất cả các yếu tố cơ bản để quyết định xem giá hiện tại có phản ánh giá trị thực của tài sản hay không.
Tìm kiếm manh mối
Các nhà phân tích cơ bản sử dụng một loạt các dữ liệu có sẵn bao gồm các báo cáo thu nhập của công ty, các sự kiện địa chính trị, chính sách của ngân hàng trung ương, các yếu tố môi trường... để giúp họ tìm kiếm manh mối về xu hướng thị trường trong tương lai.
Những manh mối như vậy thường có thể được tìm thấy trong dữ liệu kinh tế vĩ mô, đó là lý do tại sao khi dữ liệu kinh tế quan trọng được phát hành thì các nhà giao dịch cơ bản lại rất quan tâm. Các nhà giao dịch có xu hướng tập trung vào các thông tin kinh tế vĩ mô có khả năng ảnh hưởng đến biến động thị trường.
Dưới đây là một số ví dụ về phát hành dữ liệu kinh tế vĩ mô và lý do tại sao chúng có thể có tác động đến thị trường tài chính:
- Lạm phát - Lạm phát là tốc độ tăng giá chung của hàng hóa và dịch vụ. Các ngân hàng trung ương cố gắng hạn chế lạm phát và tránh giảm phát, để giữ cho nền kinh tế quốc gia hoạt động ổn định. Họ làm điều này bằng cách tăng lãi suất. Ví dụ, khi các ngân hàng trung ương tuyên bố tăng lãi suất, điều này có thể dẫn đến sự tăng giá của đồng tiền tương ứng.
- Tỉ lệ thất nghiệp - Dữ liệu từ các thị trường lao động, chẳng hạn như bảng tin phi nông nghiệp (Non-farm) của Hoa Kỳ, ảnh hưởng mạnh đến thị trường tài chính. Báo cáo việc làm được công bố vào thứ Sáu đầu tiên hàng tháng và thể hiện tổng số lao động của Mỹ được trả lương. Khi dữ liệu này được phát hàng thì thị trường biến động liên tục, vì tầm quan trọng của nó trong việc xác định tốc độ tăng trưởng kinh tế và lạm phát.
Ví dụ, nếu bảng lương phi nông nghiệp tốt hơn cùng kỳ tháng trước, thì đây là một dấu hiệu tốt cho thấy nền kinh tế đang phát triển. Nếu sự gia tăng trong bảng lương phi nông nghiệp lớn, có thể chỉ ra rằng lạm phát có thể được tăng lên. Nếu bảng lương thấp hơn mong đợi, các nhà giao dịch ngoại hối có khả năng bán USD với dự đoán đồng tiền đang suy yếu. Nếu nó vượt quá kỳ vọng, giá trị của đồng đô la Mỹ có thể tăng lên.
- GDP - Tổng sản phẩm quốc nội là thước đo của tất cả hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong một giai đoạn cụ thể. Các ngân hàng trung ương và các nhà đầu tư nhìn vào tăng trưởng GDP để xem nền kinh tế có mạnh hơn không. Khi nền kinh tế tăng lên, các công ty tạo ra lợi nhuận cao hơn và mọi người kiếm được nhiều tiền hơn, điều này có khả năng dẫn đến thị trường chứng khoán tăng và tiền tệ tăng trưởng mạnh.
Việc thông báo tin kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến thị trường tài chính và mức độ biến động sẽ tùy thuộc vào sự kỳ vọng của thị trường. Nói chung, sự khác biệt càng lớn giữa kỳ vọng và thực tế, mức độ phản ứng sẽ càng lớn. Nếu thị trường mong đợi ngân hàng trung ương tăng lãi suất và ngân hàng làm như vậy, thì phản ứng này có thể được dự đoán trước nên mức độ biến động không quá mạnh. Tuy nhiên, khi thông tin được công bố khiến thị trường bất ngờ, khi đó sự biến động lớn sẽ xảy ra.
Trader sẽ được thông báo về tất cả các thông tin sắp được công bố thông qua chức năng Lịch Kinh Tế toàn diện của chúng tôi. Sự biến động trên thị trường phụ thuộc nhiều vào số liệu thực tế và mức kỳ vọng. Sự khác biệt càng lớn thì hiệu ứng trên thị trường càng lớn. Trên Lịch Kinh Tế của XTB, mỗi thông báo được phân loại thành các mức quan trọng: Cao, Trung bình hoặc Thấp để bạn dễ dàng dự đoán sự biến động của thị trường.
Ngân hàng Trung ương điều hành thế giới
Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong phân tích cơ bản là chính sách tiền tệ được ban hành bởi các ngân hàng trung ương. Lãi suất của thị trường mở và sự can thiệp của ngân hàng trung ương ảnh hưởng đến điều kiện kinh doanh và được theo dõi chặt chẽ bởi các nhà phân tích tài chính và giới đầu cơ. Một số ngân hàng trung ương có ảnh hưởng nhất bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung Ương Anh (BoE), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung Ương Nhật Bản (BoJ).
Hãy cùng xem một ví dụ. Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 3% trong quý 1 năm 2017, trong khi lạm phát nhích lên 2,5%. Fed đã quyết định tăng lãi suất. Lãi suất tăng, vì vậy các nhà giao dịch quyết định đầu tư vào USD vì tin rằng có thể tạo ra lợi nhuận cao hơn. Một động thái như vậy có thể dẫn đến nhu cầu cao hơn đối với đồng đô la Mỹ, khiến giá tăng lên cao hơn. Xin lưu ý rằng có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá cả thị trường và đây chỉ là một ví dụ.
Phân tích Cơ bản không chỉ có ngân hàng và số liệu
Phân tích cơ bản cũng xem xét các ảnh hưởng bên ngoài có thể ảnh hưởng đến giá trị cụ thể hoặc biến động giá. Thiên tai, chẳng hạn như lũ lụt hoặc động đất, cũng có thể có tác động lớn đến giá trị của một tiền tệ hoặc hàng hóa. Ví dụ, một vụ nổ của đường ống dẫn dầu quan trọng có thể dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng của giá dầu khi hàng hóa trở nên khó vận chuyển hơn. Trong tình huống như vậy, bạn có thể đặt lện mua CFDs.
Một quan điểm khác
- Không giống như phân tích kỹ thuật, tập trung chủ yếu vào xu hướng và hoạt động của thị trường, phân tích cơ bản sử dụng tất cả dữ liệu có sẵn để xác định giá trị của một sản phẩm.
- Trong khi các nhà phân tích kỹ thuật tin rằng tất cả thông tin họ cần đã có trong biểu đồ, phân tích cơ bản xem xét các khía cạnh chính trị, xã hội và kinh tế, cũng như các bản thông tin kinh tế vĩ mô và thu nhập của công ty.
- Phân tích cơ bản và kỹ thuật đều không phải là phương pháp tối ưu duy nhất; những nhà đầu tư thành công nhất cho rằng cần phải có sự kết hợp của cả hai.
Nội dung tài liệu này chỉ được cung cấp mang tính thông tin chung và là tài liệu đào tạo. Bất kỳ ý kiến, phân tích, giá cả hoặc nội dung khác không được xem là tư vấn đầu tư hoặc khuyến nghị được hiểu theo luật pháp của Belize.
Hiệu suất trong quá khứ không nhất thiết chỉ ra kết quả trong tương lai và bất kỳ khách hàng quyết định dựa trên thông tin này đều hoàn toàn tự chịu trách nhiệm. XTB sẽ không chịu trách nhiệm đối với bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại nào, bao gồm nhưng không giới hạn, bất kỳ tổn thất lợi nhuận nào, có thể phát sinh trực tiếp hoặc gián tiếp từ việc sử dụng hoặc phụ thuộc vào thông tin đó. Tất cả các quyết định giao dịch phải luôn dựa trên phán quyết độc lập của bạn.